Thông tin về các điểm du lịch trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An
1. Lịch sử Miếu Mộ bà chúa Nhâm xóm Đông Xuân, xã Hòa Sơn!
Miếu mộ Bà Chúa Nhâm là nơi lưu giữ hài cốt, nơi thờ phụng, tri ân vị thần của làng Yên Lại, xã Yên Lăng xưa, nay là xóm Đông Xuân, xã Hòa Sơn.
Bà Chúa Nhâm là một trong những Nữ thần được thờ khá phổ biến ở nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An như Thanh Chương, Yên Thành, Diễn Châu….
Với Bà Chúa Nhâm ở xã Hoà Sơn, huyện Đô Lương, căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu, đặc biệt là tư liệu bằng tiếng Pháp lưu tại Viện Thông tin Khoa học Xã hội cùng lời kể của các bậc cao niên cho biết:
Bà Chúa Nhâm tên là Nguyễn Thị Ngọc Nhâm, là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Đức, làng Yên Lại, xã Yên Lăng. Lúc bình sinh Bà đã có khí khái khác thường, dưới chân hiện lên hai chữ “Đại nương”. Thời thơ ấu, Bà thường phải đi chăn trâu,điều đặc biệt là Bà đi đến đâu cũng có một đám mây ngũ sắc che trên đầu. Một ngày, vua Lê Hồng Đức đã tìm đến đây, gặp Bà ở sông Khuôn, làng Yên Lại và rước Bà về cung nạp làm Phi tử. Sau khi tắm ở Sông Khuôn, Chúa Nhâm trở nên rất xinh đẹp. Bà sống với vua Lê Hồng Đức được sáu năm, giúp nhà vua trong việc tổ chức hành chính của đất nước và trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Khi đang mang thai, bà đã rời bỏ thế gian vào ngày Trùng cửu (9/9 âm lịch), được nhân dân tôn làm Thánh Mẫu.Thương tiếc người vợ xinh đẹp, Nhà vua cho người mang thi thể của Bà về quê chôn cất tại xứ Động Lăng (nay là xóm Đông Xuân). Hiện nay, trên nghi môn mộ vẫn còn lưu dòng chữ “Hồng Đức cung lăng”. Đồng thời, Vua giao cho dân làng Yên Lại lập đền thờ phụng với tên gọi là đền Bà Chúa Nhâm (hay đền Yên Lại).
Ngoài được thờ ở làng Yên Lại, “các làng lân cận cũng thờ Thánh Mẫu”. Nhà vua còn cắt 68 mẫu ruộng giao cho làng Yên Lại, trong đó, họ Nguyễn Đức được giao 50 mẫu để cày cấy, lo việc tế tự, sửa sang đền miếu cho mẹ con Bà Chúa Nhâm.
Theo truyền ngôn của người dân trong vùng, xưa, người dân đi qua mộ Bà Chúa Nhâm phải ngả mũ, cúi đầu. Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống như mất của, bệnh tật, muộn con… nhiều người trong xã và vùng phụ cận đã tìm đến Bà để cầu xin sự phù trợ, xin thuốc chữa bệnh, cầu tự và thường ứng nghiệm. Bởi vậy, tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người ở các vùng khác như Yên Thành, Anh Sơn…tìm về di tích thắp hương, bái vọng.
Miếu mộ Bà Chúa Nhâm tọa lạc ở vị trí cao ráo, với thế “tọa sơn, vọng thủy”. Phía sau là núi Động Lăng bao quanh làm hậu chẩm, trước là cánh đồng lúa xanh ngát cùng dòng sông Khuôn - dòng sông gắn liền với truyền thuyết về bà Chúa Nhâm - làm minh đường. Xung quanh 2 phía là dân cư bao bọc, bên cạnh lăng là nhà thờ họ Nguyễn Đức – nơi thờ tiên tổ và hậu duệ của Bà Chúa Nhâm. Vị trí này vừa đem lại vượng khí cho di tích, vừa tạo cảm giác ấm áp, gần gũi. Đứng tại nơi này, phóng tầm mắt ra xa, chúng ta có thể quan sát được cả một vùng núi sông, ruộng đồng thơ mộng.
Miếu mộ quay mặt hướng Tây Nam, có tổng diện tích 407,2 m2, bao gồm các công trình chính: Cổng ngoài, nghi môn, miếu mộ... Trong đó, miếu mộ và nghi môn là những hạng mục gốc của di tích, trải qua quá trình trùng tu, tôn tạo, hiện nay, các hạng mục này mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn.
Miếu mộ Bà Chúa Nhâm là một công trình kiến trúc cổ kính. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, di tích vẫn được giữ gìn chu đáo, chưa khi nào việc thờ phụng, hương khói bị gián đoạn. Điều này không chỉ thể hiện sự linh thiêng của di tích mà còn thể hiện rõ nét truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Với người dân Nghệ An nói chung và Đô Lương nói riêng, ở thời kì nào, truyền thống tôn vinh, tri ân các bậc tiền nhân có công với dân, với nước là một nét đẹp văn hóa luôn được gìn giữ và phát huy.
Tại di tích còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý như bản khai bằng tiếng Pháp, câu đối, đại tự, bài vè, tượng, mâm cổ bồng, lư hương... Những tư liệu này cung cấp thêm thông tin, manh mối để xác định công lao, hành trạng của bà. Đồng thời, các hiện vật cổ cũng là những trang sách về nghệ thuật điêu khắc đương thời, mỗi hiện vật giới thiệu cho hậu thế về phong cách chạm khắc, nghệ thuật trang trí của triều đại phong kiến đương thời.
Từ xưa đến nay, Miếu mộ Bà Chúa Nhâm vẫn luôn là địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh quen thuộc cho nhân dân địa phương và vùng phụ cận.
Hôm nay, Miếu mộ Bà Chúa Nhâm được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh, là niềm vinh dự lớn nhưng cũng đặt ra trách nhiệm hết sức nặng nề cho Đảng bộ, nhân dân địa phương. Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, truyền thống đấu tranh anh dũng vốn có từ xưa ở mảnh đất này, Đảng bộ và Nhân dân xã Hòa Sơn sẽ làm tốt công tác quản lý nhà nước đối với Miếu mộ Bà Chúa Nhâm cũng như các di tích khác trên địa bàn xã; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá; thường xuyên phối hợp kiểm tra chống xâm hại, xâm phạm di tích, bảo vệ an toàn hiện vật hiện có, đồng thời vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp về vật chất và tinh thần làm cho các khu di tích ngày càng khang trang sạch đẹp, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của bà con nhân dân và du khách thập phương.
Nhân buổi lễ này, cho phép tôi thay mặt Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Hòa Sơn trân trọng cảm ơn UBND tỉnh; Sở Văn hoá và Thể thao; Ban quản lý Di tích tỉnh Nghệ An đã quan tâm, giúp đỡ và tạo mọi điều kiện cho xã Hòa Sơn trong quá trình lập hồ sơ xếp hạng di tích. Đặc biệt, cảm ơn tác giả đã dày công nghiên cứu tư liệu, biên soạn hồ sơ di tích để có được niềm vui ngày hôm nay. Cảm ơn các Quý vị đại biểu, toàn thể bà con nhân dân đã có mặt, tham dự và chung vui trong buổi lễ long trọng này.
Một lần nữa, tôi xin trân trọng gửi tới các vị khách quý, quý vị đại biểu, bà con nhân dân và du khách thập phương lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành đạt!
2. Xây dựng tôn tạo Đền Cả xã Hòa Sơn- Đô Lương
Sáng 19/6, UBND xã Hòa Sơn, Đô Lương và Ngân hàng TMCP Bắc Á tiến hành khởi công xây dựng, tôn tạo Đền Cả tại xóm Hồ Sen Khuôn thuộc xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương.
Đền Cả tại xã Hòa Sơn có từ đời Cảnh Hưng năm 1783. Đền Cả là nơi thờ thần Diêm vương Đế Thích Thượng Đẳng Thần, người đã có công lao lớn giúp nước, giúp dân, nên được Triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn ban cho 12 sắc phong. Đền tọa lạc trên mảnh đất linh thiêng, cách Cầu Khuôn 100m về phía Nam.
Đền Cả tại xã Hòa Sơn có từ đời Cảnh Hưng năm 1783. Đền Cả là nơi thờ thần Diêm vương Đế Thích Thượng Đẳng Thần, người đã có công lao lớn giúp nước, giúp dân, nên được Triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn ban cho 12 sắc phong. Đền tọa lạc trên mảnh đất linh thiêng, cách Cầu Khuôn 100m về phía Nam.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, đền Cả là nơi cất dấu vũ khí và tài liệu. Thời kỳ chống Mỹ cứu nước, đền Cả là nơi đặt trận địa pháo cao xạ của quân đội bảo vệ Cầu Khuôn.
Do chiến tranh tàn phá nên đền Cả bị hư hỏng và trở thành phế tích. Hiện nay các cổ vật đang được một số dòng họ trong xã lưu giữ.
Đền nằm trong quần thể tâm linh của xã Hòa Sơn bao gồm: Lăng mộ Đức Chúa Nhâm, Đền thờ bà Chúa Ngô. Trải qua bao năm tháng lịch sử, để tri ân công đức của Diêm vương Đế Thích Thượng Đẳng Thần, nhân dân xã Hòa Sơn đã phục dựng, tôn tạo đền Cả ngay trên mảnh đất cũ để thờ phụng, trở thành nơi trấn giữ long mạch, nơi thờ cúng linh thiêng.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền địa phương và Nhân dân xã Hòa sơn, Sở Văn hóa và Thể thao thống nhất chủ trương phục dựng di tích đền Cả tại Công văn số 2219 ngày 09/9/2019.
Đền nằm trong quần thể tâm linh của xã Hòa Sơn bao gồm: Lăng mộ Đức Chúa Nhâm, Đền thờ bà Chúa Ngô. Trải qua bao năm tháng lịch sử, để tri ân công đức của Diêm vương Đế Thích Thượng Đẳng Thần, nhân dân xã Hòa Sơn đã phục dựng, tôn tạo đền Cả ngay trên mảnh đất cũ để thờ phụng, trở thành nơi trấn giữ long mạch, nơi thờ cúng linh thiêng.
Để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đáp ứng nguyện vọng của chính quyền địa phương và Nhân dân xã Hòa sơn, Sở Văn hóa và Thể thao thống nhất chủ trương phục dựng di tích đền Cả tại Công văn số 2219 ngày 09/9/2019.
Theo thiết kế, Đền Cả được xây dựng trên diện tích đất 675m2 với 2 tòa nhà diện tích 200m2. Thống nhất giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương, sau khi xây dựng, tôn tạo xong sẽ giao lại cho chính quyền địa phương quản lý ngôi đền theo tinh thần tôn trọng, gìn giữ những giá trị tín ngưỡng, nghi lễ thờ cúng của dân tộc.
Ngọc Phương